Tháng giêng là tháng ăn chơi… Bởi dịp Tết âm lịch được nghỉ dài ngày, từ ngày mùng 6 kéo dài cho đến rằm tháng Giêng trở thành khoảng thời gian để tổ chức các lễ hội lớn trên khắp các vùng miền Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với những cộng đồng yêu động vật, mỗi dịp lễ hội thế này là một lần mọi hoạt động tuyên truyền cảnh báo về việc hành hạ – giết mổ động vật đều được chia sẻ rộng rãi. Có chuyện này bởi vì cách đây 2-3 năm, khi công nghệ truyền thông đi tới một bước mới, những hình ảnh các lễ hội dễ dàng được thu lại và phát tán rộng rãi, người ta truyền tay nhau những hình ảnh của Lễ hội Chém lợn ở làng Ném Thượng, thành phố Bắc Ninh, hay lễ hội Đâm trâu ở vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Đắk Lắk, hay việc giết thịt trâu thắng cuộc cũng như thua cuộc ở lễ hội Chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng.
Sau khi nhận được sự phản đối từ cộng đồng những người yêu động vật, những tổ chức bảo vệ động vật trong nước cũng như quốc tế, những nghi thức được cho là quá dã man đã được lược bỏ.
Bên cạnh đó, tình trạng giết thịt động vật để phục vụ khách du lịch trong dịp lễ cũng tăng cao. Điển hình và nổi trội nhất là lễ hội Chùa Hương – khu di tích chùa Hương – Mỹ Đức, Hà Nội. Tuy đã có các cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng tình trạng các hàng quán bày bán thịt thú rừng hoang dã nằm ngay bên trong khu di tích Phật Giáo Chùa Hương vẫn hoạt động vô cùng mãnh liệt.
Những loài động vật được quảng cáo là hoang dã như nai, hoẵng, tê tê, cáo…được bày bán la liệt. Các con vật sau khi giết mổ để lại phần đầu và đuôi để chứng minh là hàng thật, khách chỉ cần nói muốn lấy phần nào, chủ quán sẽ cắt trực tiếp trên thân động vật đã được treo lên cao ngoài quán. Tuy nhiên, theo như khuyến cáo, thì thịt được bày bán ở đây không phải là thú rừng, đã bị các chủ quán đánh tráo và làm giả mạo. Tuy nhiên, ở những nơi chay tịnh và tôn nghiêm như vậy thì việc sát sinh động vật lại trở thành một điểm xấu trong mùa lễ hội.
Thiết nghĩ, đối với những tín ngưỡng, những văn hóa từ xa xưa truyền lại, con cháu phải có nghĩa vụ giữ gìn và lưu truyền. Tuy nhiên, với những nghi thức dần đã trở nên không phù hợp với thời đại, cần phải có những cải biên cho hợp lý, vừa giữ vững được truyền thống, lại không đi ngược lại với những giá trị về đạo đức và con người.
Cộng tác viên: Thảo Nguyễn
Chịu trách nhiệm nội dung: SaigonAnimal
văn hóa gì mà dã man